Hà Nội phấn đấu sẽ giao xong đất dịch vụ trong năm 2015 |
Tính đến nay, các địa phương đã cơ bản giới thiệu đủ địa điểm khu đất quy hoạch đất dịch vụ; xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ là 381,27ha, trong đó đã giao 139,39 ha cho 22.411 hộ (bao gồm diện tích 10,3ha đất huyện Mê Linh đã thực hiện trả bằng tiền cho 4.430 hộ).
Một số quận, huyện, thị xã (Hoàng Mai, Thường Tín, Đan Phượng, Sơn Tây) có kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình đạt tỷ lệ khá cao, 70% trở lên.
Mặc dù kết quả giao đất dịch vụ trên địa bàn đã có phần chuyển biến so với năm đầu sau khi thành phố Hà Nội mở rộng, tuy nhiên, tiến độ thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ dân vẫn còn rất chậm, kết quả giao đất đạt rất thấp (đến nay mới chỉ đạt 17,2% đất dịch vụ; 27,8% trên số hộ phải giao đât dịch vụ).
Như vậy, tính đến 30/4, trên địa bàn thành phố vẫn còn 669,48ha đất dịch vụ chưa được giao cho các hộ dân, trong đó đáng chú ý là 241,88 ha đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa được chính quyền quận, huyện tổ chức giao đến hộ dân (tập trung ở quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất, Mê Linh...); 122,09ha đất dịch vụ đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa được xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 129,10ha đã có quyết định thu hồi đất, mới trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng; 172,59ha đất dịch vụ mới có thông tin quy hoạch, Ủy ban Nhân dân huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư; 1,68ha đất dịch vụ còn thiếu chưa giới thiệu được địa điểm.
Đáng chú ý, một số đơn vị chưa thực hiện được việc giao đất dịch vụ đến hộ dân (Thanh Trì, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì); một số đơn vị đã giao đất dịch vụ nhưng số lượng rất thấp (Mỹ Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Hoài Đức, Thạch Thất).
Lý giải nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như một số địa phương cho rằng, do quy định về chính sách, đối tượng, hạn mức, phạm vi, thời điểm áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp thuộc diện được hưởng đất dịch vụ ở tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội thực hiện khác nhau dẫn đến khó khăn trong cập nhật, rà soát, thống kê, xét duyệt đối tượng, tổ chức thực hiện dự án đối với chính sách mới ban hành.
Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng quy định về đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi.
Quy hoạch chung thành phố Hà Nội có thay đổi trên diện rộng dẫn đến nhiều dự án phải tạm dừng, chờ rà soát, điều chỉnh lại, đảm bảo phù hợp với quy hoach chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu được phê duyệt.
Một số khu đất đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (17 khu đât dịch vụ tại địa bàn huyện Hoài Đức).
Trong khi đó, nhiều địa phương đổ lỗi do kinh phí để triển khai thực hiện các dự án đất dịch vụ (bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện không đủ cân đối, thị trường bất động sản trầm lắng, việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của doanh nghiệp ứng trước còn thiếu, nguồn huy động ứng trước từ các hộ dân được nhận đất dịch vụ chưa được các quận, huyện quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân chủ quan là vậy, song cũng từ thực tế triển khai thực hiện cho thấy, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đồng bộ, chưa huy động sự vào cuộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành chủ trương, cơ chế chính sách về giao đất dịch vụ. Đây được xác định là nguyên nhân chủ yếu.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố với một số Ủy ban Nhân dân quận, huyện trong giải quyết kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn có việc còn chậm, chưa kịp thời…
Thậm chí, trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp tại một số huyện trước khi Hà Nội mở rộng, các cấp chính quyền huyện đã “tự ý” cam kết và hứa giao đất dịch vụ đối với các trường hợp không thuộc đối tượng giao đất dịch vụ theo quy định (ví dụ như huyện Mê Linh...).
Thêm vào đó, ý thức của một số hộ dân được hưởng đất dịch vụ trong việc chấp hành chủ trương, chính sách chưa cao, nhất là trong việc ghép hộ, hoặc tự ý chuyển đổi, không nhận đất dịch vụ mà yêu câu nhận bằng tiền mặc dù địa phương đã bố trí đủ quỹ đất.
Để khắc phục những hạn chế và khó khăn trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác liên ngành của thành phố (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao đất đến hộ dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, trong năm 2015, các quận, huyện phải hoàn thành giao đất tại thực địa cho các hộ dân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ tại các khu đất đã xong hạ tầng kỹ thuật; xây dựng kế hoạch thực hiện giao đất dịch vụ trên địa bàn, báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy để có chỉ đạo chuyên đề về nhiệm vụ này; đồng thời có sự chỉ đạo thống nhất trong cả hệ thống chính trị, các đoàn thể; lựa chọn thực hiện dự án đất dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm theo hình thức cuốn chiếu, có phương án và lộ trình đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ trên địa bàn.
Mặt khác, cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định của thành phố về thực hiện giao đất dịch vụ đến người dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai chính sách này
Theo: MINH NGHĨA (TTXVN/VIETNAM+)
Đăng nhận xét