Hầu hết các căn hộ đều có "tuổi thọ" khoảng 40 năm trở lên, nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các hộ không được xây nhà mới.
Từ cuối năm 2014 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (HVCNBCVT), các cơ quan chức năng sớm xem xét thanh lý nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở, quyền sở hữu nhà ở, cấp phép xây dựng để các hộ được xây, cải tạo nhà nhằm bảo đảm cuộc sống, nhưng đợi mãi vẫn chưa được giải quyết" - là nội dung phản ánh của ông Nguyễn Minh Châu, Tổ dân phố (TDP) 5, phường Mộ Lao (Hà Đông) gửi Báo Hànộimới.
Nhiều căn hộ tại Tổ dân phố 5 xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được cải tạo, xây mới. |
Nhà dột vẫn phải ở!
Mặc dù đã biết trước thông tin nhiều căn hộ trong các khu tập thể (KTT) thuộc TDP 5, phường Mộ Lao xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi tiếp cận một số căn hộ lụp xụp, xuống cấp. Tại dãy C1, C2, A3… trong TDP 5, phóng viên nhận thấy hàng chục căn nhà cấp 4, mái lợp pro xi măng tạm bợ, xập xệ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà chật chội, ông Nguyễn Minh Châu, số nhà 24, dãy C2 cho biết: Năm 1989, Công ty Xây dựng bưu điện cấp cho gia đình ông căn hộ cấp 4, rộng 33,9m2 và sinh sống ổn định, không tranh chấp từ đó đến nay. Cuối năm 2014, do nhà quá xuống cấp, nhà lại đông người, ông Châu đã làm đơn đề nghị xác nhận tình trạng sử dụng đất gửi UBND phường Mộ Lao và HVCNBCVT - đơn vị quản lý toàn bộ khu đất của các KTT trong TDP 5.
Sau khi xác nhận, UBND phường đã có công văn đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường quận, UBND quận Hà Đông xem xét, cấp phép xây dựng cho gia đình ông, nhưng không được chấp thuận. Hiện tại, con ông mới xây dựng gia đình phải đi thuê nhà vì không đủ chỗ ở, còn 4 thành viên gia đình tiếp tục phải sống chung với cảnh nhà xuống cấp, nguy hiểm mà không biết kêu ai!
Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Đỗ Thị Chinh, số nhà 22, C2 cũng đã nhiều lần tôn nền, sửa chữa mái nhà nhưng đến nay nền nhà vẫn thấp so với đường đi khoảng 20cm, mái nhà võng, khi mưa nhà bị dột nặng, nước ngoài đường tràn vào nhà… làm đảo lộn cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, gia cảnh trên chưa thấm vào đâu vì trong TDP, khốn khổ nhất phải kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Hoài, số nhà 7, A3 tập thể Vi Ba. Ông Vũ Đình Khởi, Tổ trưởng TDP 5 cho biết, nhà của hộ bà Hoài xuống cấp đã nhiều năm. Đầu năm 2015, mặc dù biết không được cấp phép xây dựng, nhưng do tường nhà có nguy cơ đổ nên bất đắc dĩ bà Hoài phải dỡ tường, tôn nền và xây lại theo nguyên trạng. Nhưng ngay sau đó các cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công. Nhiều tháng nay, công trình vẫn dở dang, hai con bà phải đi thuê nhà để ở.
Sớm xem xét kiến nghị của người dân
TDP 5, phường Mộ Lao gồm khoảng 300 hộ dân ở các KTT được các đơn vị như: HVCNBCVT, Thiết bị bưu điện, Công ty Nhà bưu điện, Công ty Xây dựng bưu điện, Vi Ba, nhà 5 tầng… trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phân nhà từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được thanh lý nhà, 100% số hộ chưa được cấp GCNQSDĐ ở, quyền sở hữu nhà ở…
Theo đại diện UBND quận Hà Đông, nguyên nhân chính khiến các hộ dân trong TDP 5 không được cấp phép xây dựng, chỉ được cải tạo nhỏ là do đất ở của các KTT trên đang nằm trong diện tích đất của HVCNBCVT (cơ sở Hà Đông). Nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân, Học viện đã xây dựng bản vẽ điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 cơ sở đào tạo Hà Đông gồm 2 khu: Khu sử dụng vào mục đích đào tạo diện tích 34.816m2; khu dân cư chỉnh trang diện tích 19.889,2m2, được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt tại Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 7-7-2008. Năm 2009, HVCNBCVT đã có văn bản xin tách quyền sử dụng đất các KTT để thực hiện bán nhà theo Nghị định 61/CP cho các hộ dân.
Nhưng do Học viện vẫn chưa thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, nên chưa được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu dân cư chỉnh trang theo quy hoạch. Đây cũng chính là lý do khiến UBND quận Hà Đông chưa có cơ sở để thực hiện xác định nguồn gốc đất, cấp phép xây dựng cho các hộ gia đình, cá nhân, đồng thời hướng dẫn các hộ dân thực hiện thủ tục thanh lý nhà, đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Tuy nhiên, trước năm 2014, tại KTT vẫn có nhiều hộ được xây nhà cao tầng khiến các hộ thắc mắc. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước thực trạng nhà ở tại KTT xuống cấp nghiêm trọng, nhu cầu cải tạo, xây dựng mới của các hộ dân ngày càng cao, năm 2011, UBND quận Hà Đông có Văn bản số 331/UBND-QLĐT hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng trên địa bàn quận. Theo đó, các hộ dân ở những đơn vị đang gặp vướng mắc trong cấp phép xây dựng trên địa bàn quận có nhu cầu xây dựng chỉ cần gửi đơn lên UBND phường sở tại xin xác nhận tình trạng sử dụng đất.
Nếu được xác nhận tình trạng đất đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở, căn cứ các quy định hiện hành sẽ được xem xét cấp phép xây dựng. Từ ngày có văn bản trên, nhiều hộ dân trong TDP 5 đã được cấp phép xây dựng và cải tạo nhà. Vậy nhưng, từ cuối 2014 đến nay việc cấp phép xây dựng bị dừng lại, người dân cũng chỉ được giải thích chung chung: Do HVCNBCVT chưa được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu dân cư chỉnh trang theo quy hoạch nên UBND quận không thể cấp phép xây dựng hay cải tạo nhà cho các hộ (!?).
Rõ ràng, thực trạng nhà ở của các hộ dân nêu trên phụ thuộc vào cách thức giải quyết các thủ tục hành chính về quản lý nhà, đất của các cơ quan chức năng. Chừng nào các cơ quan hữu quan chưa thực sự vào cuộc một cách có trách nhiệm thì chừng ấy người dân vẫn phải sống chung cùng nỗi lo… sập nhà.
Đỗ Hà
Theo: Hanoimoi.com.vn
Đăng nhận xét