Xem xét bổ sung quy định đấu giá nợ xấu vào dự án luật

Uỷ ban Kinh tế đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vào dự án Luật Đấu giá tài sản vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều ngày 12/10.

Xem xét bổ sung quy định đấu giá nợ xấu vào dự án luật
Nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả
Thẩm tra dự án luật, các thành viên Uỷ ban Kinh tế đánh giá dự án Luật Đấu giá tài sản đã được soạn thảo công phu, đủ điều kiện để trình Quốc hội. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số các ý kiến đánh giá là phù hợp, không chồng chéo, việc luật không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán là phù hợp.

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vào dự án luật.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch VAMC cho biết, quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá mất nhiều thời gian trong khi đó khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản; bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá… dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.
Trước đó, nhận định về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thực sự hiệu quả. Các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm lớn nguồn thu ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại thực chất.

Bên cạnh đó, việc xử lý các khoản nợ xấu chậm, nhất là các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại, trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật.

Hiện nay việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật và hiệu quả, hiệu lực không cao.

Uỷ ban Kinh tế cũng đưa ra ý kiến về các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá. Hiện nay, phần lớn tài sản bán đấu giá đều là tài sản theo quy định pháp luật bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như tài sản là quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất; quyền khai thác khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; tài sản giao dịch bảo đảm; tài sản thi hành án; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu…. nên cần thiết ghi rõ các loại tài sản này tại dự án luật.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo việc triển khai được thống nhất, thuận lợi nhưng cũng cần tạo sự linh hoạt khi có sự thay đổi, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá.

Châu Huệ
Theo: Enternews.vn