Tân Hoàng Minh muốn trả "đất vàng" vì không đủ tiền?

Tân Hoàng Minh, đơn vị trúng đấu giá “khu đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM vào ngày 23/6/2015, vừa có đơn đề nghị hủy kết quả cuộc đấu giá này. Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM, cho biết, Phiên đấu giá diễn ra công khai, đúng quy định của pháp luật, nên không thể có chuyện sai phạm về bước giá. Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng tài chính của công ty này khi trả lại "đất vàng"!

Không sai phạm về giá!

Theo Đơn của Tân Hoàng Minh gửi chính quyền TPHCM đề nghị: "Hủy kết quả đấu giá ngày 23/6/2015, đồng thời tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy trình bán đấu giá, thực hiện theo đúng các bước giá cũng như các quy định có liên quan..." vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.

Tân Hoàng Minh vừa có đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá “khu đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM
Tân Hoàng Minh vừa có đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá “khu đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM
Trước việc Tân Hoàng Minh xin hủy kết quả đấu giá, trao đổi báo chí, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM, người trực tiếp điều hành phiên đấu giá, cho biết: "Buổi đấu giá diễn ra không hề có sai sót gì, cũng không có ai ép công ty mua, đó là do công ty tự đề ra mức giá mua. Buổi đấu giá diễn ra đúng trình tự và hoàn toàn đúng theo các quy định của pháp luật -  ông Sỹ cho biết thêm.
Bên cạnh đó, theo ông Sỹ, lý do Tân Hoàng Minh đưa ra cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá là khó chấp nhận, bởi vì, đấu giá công khai, minh bạch. "Trong buổi đấu giá, mức giá họ đưa ra cao gấp 2,6 lần mức khởi điểm (1.430 tỉ đồng), nhưng đó là họ tự đưa ra mức tiền để mua không có ai ép buộc, nên rất vô lý khi nói phương án đấu giá có sai phạm", ông Sỹ lý giải.

Được biết, trước đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá của Tân Hoàng Minh còn phải chờ thành phố xét duyệt, UBND thành phố hoàn toàn có quyền quyết định sự việc này. Chính quyền TPHCM đang yêu cầu Sở Tư Pháp, Sở Tài Chính và các cơ quan liên quan báo cáo để có hướng xử lý.

Trước đó, phiên đấu giá ngày 23/6/2015 do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM (thuộc Sở tư pháp TPHCM) tổ chức công khai có tới 13 cá nhân, tổ chức tham gia dù giá khởi điểm của khu đất khá lớn - 558 tỉ đồng.

Tân Hoàng Minh đã phải rất vất vả mới trúng đấu giá quyền sử dụng “khu đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1 do khu đất nằm trong lõi trung tâm thành phố, với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và đường Nguyễn Du và những điểm quá hấp dẫn về chức năng sử dụng đất của “khu đất vàng” này (đất phức hợp văn phòng - thương mại - dịch vụ; với hệ số sử dụng đất tối đa là 8.0, chiều cao công trình tối đa 100 mét, mật độ xây dựng tối đa 60%)... nên sau 16 vòng đấu giá (76 bước giá) mới tìm ra được người chiến thắng là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hoàng Minh, với giá 1.430 tỉ đồng (gấp 2,6 lần giá khởi điểm).

Ngay sau phiên đấu giá này, Trung tâm bán đấu giá và Tân Hoàng Minh cũng đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Và ngày 7/8/2015, UBND TPHCM cũng đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Và số tiền đặt cọc đấu giá 83 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.

Câu hỏi về năng lực?

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn khi đấu giá thành công, Tân Hoàng Minh lại xin hủy kết quả đấu giá. Thông tin này theo nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS nhận định là không quá khó hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể, Tân Hoàng Minh đang thiếu tiền triển khai các dự án nên không còn vốn để tiếp tục đầu tư tại khu đất vàng này.

Hàng loạt các dự án của Tân Hoàng Minh hiện vẫn còn dang dở, chậm tiến độ...
Hàng loạt các dự án của Tân Hoàng Minh hiện vẫn còn dang dở, chậm tiến độ...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM cũng nhấn mạnh, cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá, đó chỉ là cái cớ được công ty này đưa ra, còn thực chất họ chưa có đủ tiền để chi trả cho mức giá mà mình đã trả tại buổi đấu giá nên muốn hủy kết quả đấu giá.

Từ thực tế trên thị trường BĐS thời gian vừa qua cũng cho thấy, hầu hết các dự án của tập đoàn này vẫn đang nằm đắp chiếu trong suốt một thời gian dài. Duy có dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An vừa được khởi công trong thời gian gần đây cũng cần rất nhiều vốn để triển khai. Chính vì vậy, việc thị trường BĐS cho rằng, tập đoàn này đang cạn vốn cũng là điều dễ lý giải.

Nếu tính từ mốc thời gian năm 2006, tức là năm Tân Hoàng Minh bắt đầu thâu tóm những mảnh đất "vàng tại Hà Nội để đầu tư xây dựng những dự án của mình thì doanh nghiệp này đã có khoảng thời gian 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này, (nếu tính từ năm 2003, khi Tân Hoàng Minh chính thức có dự án đầu tư đầu tiên thì con số này là 11 năm). Tuy nhiên đến nay, đã rất nhiều năm trôi qua nhưng thị trường bất động sản Hà Nội vẫn chưa đón nhận bất cứ một sản phẩm nào của tập đoàn này được hoàn thiện để ra mắt thị trường.

Hầu hết các dự án của Tân Hoàng Minh hiện đều đang chậm tiến độ rất nhiều so với tiến độ thực tế. Có thể kể đến hàng loạt những cái tên như D’.San Raffles, D’.Palais de Louis...

Đầu tư một cách dàn trải, dẫn đến hàng loạt các dự án dang dở, chậm tiến độ... vết xe đổ của Sông Đà Thăng Long có một lần nữa lặp lại với Tân Hoàng Minh?

Minh Lý (Tổng hợp)
Nguồn: kinhdoanhnet.vn