Luật Đấu giá tài sản: Phải minh bạch quy trình, xóa bỏ móc nối

Ngày 2-10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã mở phiên họp toàn thể lấy ý kiến các đại biểu về dự thảo Luật Đấu giá tài sản. 

Những vấn đề về xác định giá khởi điểm như thế nào để tránh thất thoát; làm sao để chấm dứt việc can thiệp, móc nối để thao túng trong đấu giá… đã được các đại biểu mổ xẻ. Lần đầu tiên các đại biểu đặt ra rất nhiều tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật, với mong muốn minh bạch quy trình, thủ tục đấu giá nhằm mục tiêu chống tiêu cực.

Đại biểu góp ý về dự thảo Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Đại biểu góp ý về dự thảo Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Người dân được thành lập công ty đấu giá tài sản

Quy định mới trong dự án luật này là xã hội hóa hoạt động đấu giá, cho người dân tham gia thành lập công ty đấu giá tài sản. Với việc mở rộng đối tượng được tham gia bán đấu giá tài sản, theo các đại biểu, kỳ vọng luật mới sẽ giúp ngành ngân hàng giải quyết nhanh khâu xử lý nợ xấu. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết với quy định hiện nay, nếu chủ tài sản thế chấp tại ngân hàng hợp tác với ngân hàng đem tài sản ra bán đấu giá để thanh toán nợ đến hạn thì đơn giản, nhưng nếu chủ tài sản không hợp tác thì phải ra tòa, nhiều vụ xử đi xử lại tốn hàng năm trời, cuối cùng khi thi hành án rồi lại phải qua đấu giá, quy trình quá lòng vòng phức tạp. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, dẫn chứng có trường hợp nhà thế chấp 7 năm không bán được. Do vậy, việc xã hội hóa hoạt động đấu giá lần này sẽ góp phần bán đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo.

Thế nhưng, nhiều đại biểu đặt vấn đề: Những công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn thì có nên tham gia bán đấu giá hay không? Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề nghị chỉ nên cho loại hình công ty trách nhiệm vô hạn (doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) được tham gia bán đấu giá tài sản thôi. “Vì anh tư vấn cho tôi mà anh không có tài sản thì làm sao, nếu sai anh lấy gì bồi thường, lấy tài sản đâu để kê biên”, ông Phúc lý giải. Đại biểu Trần Văn, Phó ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đề nghị phải bảo đảm nghề nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, nên quy định thêm, buộc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm nghề nghiệp. Nếu không, ví dụ một công ty bán đấu giá bình cổ nhưng lỡ chẳng may bình bị bể thì lấy gì bồi thường?

Một đại biểu cho biết hiện nay có tài sản nhà nước bị phát hiện bán đấu giá thâm hụt hàng trăm tỷ đồng, do vậy Luật Đấu giá tài sản phải quy định rõ giá khởi điểm là giá nào cho sát thực tế, bởi có trường hợp người mua tài sản đấu giá xong, sang tay lại là lời gấp 3 lần. Đã đấu giá thì phải là giá thị trường chứ không phải giá xác định trên sổ sách, trừ khấu hao, mà không cộng giá trị lợi thế tăng thêm, giá trị thương hiệu... Do vậy, ngoài việc quy định rõ trình tự xác định giá khởi điểm, còn phải quy định thêm việc kiểm tra chéo để tránh phát sinh tiêu cực. Các đại biểu đặt vấn đề: Tại sao có tài sản đẹp nhưng chỉ 1 người hoặc 2 người đăng ký mua, thậm chí có 2 người đăng ký nhưng sau đó 1 người rút, nên cuối cùng tài sản được bán đúng với giá khởi điểm? Do vậy, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị phải đưa vào điều cấm đối với hành vi đe dọa, cản trở, móc nối, thông đồng trong đấu giá tài sản. Đại biểu Tiếp cũng đề nghị phải có điều khoản đảm bảo cho người ngay tình mua tài sản đấu giá, vì trên thực tế ở địa phương có rất nhiều trường hợp thi hành án, bán đấu giá tài sản xong nhưng không nhận được tài sản vì bản án bị giám đốc thẩm, xét xử lại.

Nhân sự thực thi luật cần chuyên nghiệp hơn

Về chuyên môn hóa chuyên viên đấu giá, TS Trần Du Lịch cho rằng, đây là nghề cần cái tâm, thậm chí như luật sư, thẩm phán ở các nước, khi hành nghề phải tuyên thệ. Và đây là hoạt động nghề nghiệp thì phải có chuyên môn. Do vậy, TS Trần Du Lịch đề nghị nên bỏ quy định miễn đào tạo đối với người có chức danh giáo sư, phó giáo sư khi tham gia làm chuyên viên đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng trong dự án luật này, Bộ Tư pháp muốn ôm đồm nhiều quá, tham gia từ đào tạo cho đến cả việc tham gia thành lập hội đồng để đánh giá tập sự là không cần thiết. Ngoài ra, TS Trần Du Lịch cũng đề nghị bỏ quy định: “Trường hợp có sự khác nhau với luật khác thì áp dụng theo Luật Đấu giá tài sản”. Theo ông, quy định này là không đúng vì nếu luật này trái với các nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự… thì về nguyên tắc, phải áp theo luật “mẹ” mới đúng. Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói rằng, nếu luật nào cũng giành quyền bảo vệ áp theo quan điểm luật của mình thì không được và quy định như vậy sẽ khiến cho người đọc hiểu rằng có rất nhiều luật liên quan đến đấu giá. Do vậy, nên thống nhất một luật để dễ hiểu, đừng làm cho hệ thống pháp luật phức tạp.

Ngoài ra, hội nghị cũng quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình Trung tâm Đấu giá tài sản hiện nay thành doanh nghiệp như thế nào, cơ chế quản lý ra sao. Vấn đề quan trọng là luật phải quy định rõ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp ra sao, theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đấu giá tài sản, đừng buộc doanh nghiệp phải làm hai thủ tục. Đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh luật phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, để tránh tình trạng vướng hoặc gây khó khăn khi áp dụng. Ông dẫn chứng, như việc xã hội hóa phòng công chứng vừa qua, đến nay muốn xin cấp phép tại TPHCM… “đố mà xin được”! Do vậy, ông đề nghị phải quy định các điều kiện cụ thể và xem đó là ngành kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì được phép kinh doanh, không bị gây khó dễ.
HÀN NI