Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản vẫn tiếp tục hoạt động và thực hiện việc đấu giá tài sản, trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm thì sẽ tính đến việc chuyển đổi các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản
Tuy nhiên, tại một số địa phương, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản vẫn giữ vai trò nòng cốt, tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chính trị trong việc đấu giá một số loại tài sản khó bán, giá trị thấp, phải bán đi bán lại nhiều lần như tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tài sản thi hành án, tài sản là quyền sử dụng đất tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt tại các tỉnh chưa có doanh nghiệp đấu giá tài sản thì việc tiếp tục duy trì hoạt động của các Trung tâm là phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, Dự thảo quy định linh hoạt theo hướng Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hoạt động và thực hiện việc đấu giá tài sản theo quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản. Trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Trung tâm sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Về đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá, để nâng cao tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp đấu giá tài sản, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản, không được đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác; doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, thực hiện việc đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.
Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề, dự thảo Luật quy định theo hướng kéo dài thời gian đào tạo nghề đấu giá từ 3 tháng theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP lên 6 tháng; đồng thời bổ sung quy định về tập sự hành nghề đấu giá 6 tháng đối với đấu giá viên.
Về thù lao đấu giá, chi phí đấu giá, trên cơ sở quan điểm về thù lao dịch vụ đấu giá được thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước không ấn định phí, chỉ nên đưa khuôn khổ để các bên thỏa thuận và có cơ chế kiểm soát của nhà nước. Dự thảo Luật quy định thù lao đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo cơ chế thị trường; thù lao đấu giá do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có tài sản, tránh thất thoát tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, người thế chấp tài sản, người có tài sản phải thi hành án, dự thảo Luật quy định trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, thù lao dịch vụ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định.
Thanh Bình - Theo moj.gov.vn
Đăng nhận xét